Để tránh nhầm lẫn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các vai trò mà Ngân hàng, CTCK có thể tham gia trong 1 giao dịch trái phiếu, cụ thể như sau:
✅ Bảo lãnh thanh toán (Guarantee):
Bảo lãnh thanh toán có nghĩa là bên bảo lãnh (ngân hàng/CTCK/bên thứ 3) sẽ thay mặt TCPH trái phiếu (Bên đi vay) đứng ra thanh toán các khoản gốc lãi nếu TCPH không trả được cho NĐT trái phiếu.Nếu một TPDN có bảo lãnh thanh toán của một tổ chức lớn, uy tín như ngân hàng thì mức độ rủi ro của TPDN đó sẽ thấp đi rất nhiều. Thứ nhất, như đã phân tích trong bài trước, xác suất một ngân hàng phá sản thấp hơn xác suất doanh nghiệp phá sản rất nhiều. Thứ 2, ngân hàng là tổ chức chuyên về cho vay, do đó họ có những quy trình, hội đồng và chuyên gia để đánh giá doanh nghiệp trước khi cho vay hay cấp bảo lãnh.
Do đó, khi ngân hàng chấp nhận bảo lãnh cho TPDN, họ cũng đã đánh giá khả năng trả nợ của TCPH. Tuy nhiên, hiện nay, có rất ít trái phiếu có ngân hàng bảo lãnh thanh toán được phân phối cho NĐT cá nhân. Vì rủi ro thấp, lãi suất TPDN được ngân hàng bảo lãnh cũng thường sẽ không quá vượt trội so với lãi suất tiết kiệm. Ngoài ra, các điều kiện để bên bảo lãnh thực hiện chi trả gốc/lãi thay cho TCPH cũng rất quan trọng. Vậy nên, nếu có một tư vấn bán hàng nào nói trái phiếu có bảo lãnh, bạn cần yêu cầu họ đưa ra chứng thư bảo lãnh để xem xét kĩ điều kiện các điều kiện ghi trong đó.
✅ Bảo lãnh phát hành (Underwriter):
nếu như 2 từ tiếng Anh Guarantee và Underwriter rất dễ phân biệt, thì tiếng việt là bảo lãnh phát hành vs. bảo lãnh thanh toán đôi khi có thể gây nên nhầm lẫn do có cùng từ “bảo lãnh”. Bảo lãnh phát hành trái phiếu là việc bên bảo lãnh (ngân hàng hoặc CTCK) đứng ra cam kết với doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp phát hành thành công một khối lượng trái phiếu nhất định, nếu không thì bên bảo lãnh sẽ đứng ra mua hết phần trái phiếu không thu xếp hết để đảm bảo doanh nghiệp nhận được vốn như cam kết.
Ví dụ, CTCK A bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp B phát hành 200 tỷ trái phiếu. CTCK A chỉ bán được cho NĐT 100 tỷ trái phiếu, trong trường hợp này A sẽ phải bỏ tiền ra mua 100 tỷ trái phiếu để bảo đảm B nhận được 200 tỷ. Số trái phiếu này A có thể giữ và bán ra cho NĐT sau khi trái phiếu đã phát hành. Tuy nhiên, sau khi số trái phiếu đã phát hành xong, CTCK A đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh phát hành của mình, và không liên quan gì đến nghĩa vụ thanh toán gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp B nữa. Bảo lãnh phát hành không phải và không liên quan gì đến bảo lãnh thanh toán gốc lãi trái phiếu, NĐT là người chịu rủi ro nếu TCPH không trả được nợ.
✅ Đại lý phát hành/đại lý phân phối/bên bán trái phiếu:
Ngân hàng/CTCK có thể tham gia giao dịch dưới góc độ đại lý phát hành/đại lý phân phối. Lúc này, ngân hàng/CTCK có thể đóng vai trò trung gian giúp phân phối trái phiếu từ TCPH hoặc một bên có trái phiếu (nhưng không phải TCPH) đến NĐT (lúc này Ngân hàng/CTCK đóng vai là trung gian phân phối). Ngân hàng/CTCK cũng có thể là bên mua một lô lớn TPDN từ TCPH rồi bán lại TPDN đó cho NĐT (lúc này Ngân hàng/CTCK chính là bên bán trực tiếp). Việc ngân hàng/CTCK bán TPDN không có nghĩa là ngân hàng/CTCK bảo lãnh thanh toán cho TPDN đó. Khi có vấn đề xảy ra với trái phiếu, NĐT cần tìm TCPH để “đòi nợ". Không có bảo đảm nào cho NĐT về việc sẽ nhận được gốc/lãi TPDN từ phía ngân hàng trong trường hợp này. (Trường hợp này không tính đến các sản phẩm có cam kết mua lại.)
✅ Đại lý quản lý tài sản bảo đảm:
Nếu trái phiếu có tài sản bảo đảm (TSBĐ), NĐT sẽ cần 1 tổ chức đứng ra nhận, giữ và xử lý TSBĐ khi TCPH không trả được nợ. Đại lý quản lý TSBĐ có thể là Ngân hàng hoặc CTCK. Các công việc này sẽ được quy định cụ thể trong hồ sơ trái phiếu. Ngân hàng/CTCK chỉ có trách nhiệm liên đới với việc giám sát và xử lý tài sản bảo đảm chứ không có bất kỳ bảo đảm nào liên quan đến việc đứng ra trả nợ thay cho TCPH. NĐT vẫn là người chịu rủi ro trong trường hợp TCPH không trả được nợ.
✅ Một số vai trò khác:
Ngân hàng/CTCK cũng có thể đóng một số vai trò khác như đại diện người sở hữu trái phiếu (dịch vụ đại diện cho các NĐT trái phiếu để làm việc với TCPH trong trường hợp có rất nhiều NĐT), quản lý tài khoản (dịch vụ quản lý dòng tiền TCPH cam kết đưa qua tài khoản ngân hàng) hay tổ chức lưu ký (dịch vụ lưu ký chứng khoán). Tuy nhiên, các vai trò này chỉ mang tính chất cung cấp dịch vụ, ngân hàng/CTCK không đóng vai trò bảo lãnh thanh toán cho TPDN đó. Mọi nghĩa vụ thanh toán gốc lãi trái phiếu vẫn chỉ là nghĩa vụ của TCPH và NĐT không có bất kỳ bảo lãnh nào .
------------------------------------------------------------------
ĐIỂM CẦN GHI NHỚ:
⛳️ BẢO LÃNH THANH TOÁN cho trái phiếu nghĩa là bên bảo lãnh (ví dụ ngân hàng) sẽ trả gốc/lãi trái phiếu cho NĐT nếu TCPH không trả được gốc/lãi trái phiếu đó. Đây là loại bảo lãnh duy nhất mà NĐT sẽ được ngân hàng bảo vệ trong trường hợp TCPH không trả được nợ (Lưu ý cần xem kĩ nội dung chứng thư bảo lãnh).
⛳️ BẢO LÃNH PHÁT HÀNH không có nghĩa là bao lãnh thanh toán.
⛳️ Ngân hàng phân phối/bán TPDN KHÔNG có nghĩa là Ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho TPDN đó.
⛳️ Các vai trò khác như đại lý quản lý TSBĐ, đại diện người sở hữu trái phiếu, quản lý tài khoản hay tổ chức lưu ký KHÔNG có nghĩa là Ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho TPDN.
⛳️ Rất ít trái phiếu trên thị trường có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Cần xác định rõ vai trò của ngân hàng trong giao dịch nếu có một tư vấn viên giới thiệu với bạn về việc có ngân hàng tham gia “bảo lãnh”.
Tài liệu tham khảo tại: leox.vn
________________________________________
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trước khi đi sâu vào khám phá trái phiếu doanh nghiệp là gì, chúng ta hãy nhắc lại một chút về khái niệm trái phiếu.
- Trái phiếu là một sản phẩm tài chính mà một tổ chức phát hành (chính phủ hoặc doanh nghiệp) để huy động nguồn vốn vay từ nhà đầu tư. Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện các cam kết nợ, bao gồm thanh toán lãi suất định kỳ và hoàn lại số tiền đầu tư ban đầu khi đến kỳ đáo hạn.
- Từ định nghĩa trên, ta có thể liên hệ đơn giản rằng, trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả lãi lẫn gốc cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn. Khi bạn mua trái phiếu của một công ty nào đó thì lúc này, bạn đang là chủ nợ của họ.
Trái phiếu doanh nghiệp được chia làm 2 loại như sau:
- Trái phiếu niêm yết: Là loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, đồng thời được giao dịch rộng rãi trên các sàn tập trung như HNX và HSX. Toàn bộ quá trình giao dịch đều phải dựa trên các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán.
- Trái phiếu OTC: Hay còn gọi là trái phiếu phi tập trung, được giao dịch trên thị trường OTC. Giao dịch không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý mà dựa trên những thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư.
________________________________________
Mosa Group khuyến nghị nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ về tổ chức phát hành và điều khoản điều kiện của trái phiếu trước khi quyết định đầu tư. Trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm có rủi ro, nhà đầu tư nên lựa chọn các tổ chức phát hành và đơn vị tư vấn có uy tín và tính minh bạch. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu các thông tin trái phiếu minh bạch và đầy đủ tại www.nguyenduchau.asia -------------------------------------------------------